logo

 

Ăn nhiều xoài lắc, cóc lắc,... có thực sự tốt cho sức khỏe của chính bạn?

Xoài lắc, cóc lắc, bánh tráng, khoai tây lắc,… là những món ăn vặt gây nghiện đang gậy sốt hiện nay. Nhiều bạn trẻ nghiện đến nỗi thay thế bữa ăn chính mỗi ngày bằng các món thức ăn lắc vì cho rằng ăn nhiều trái cây sẽ giảm cân, ít năng lượng. Sự thật có giống như những gì bạn đang nghĩ?

Xoài lắc - “nóng” rần rần từ ngoài vào trong

Xoài lắc đang tạo nên “cơn sốt” tại Sài Gòn bởi cách chế biến nhanh gọn, vị chua ngọt dễ nghiện. Xoài là một loại trái cây chứa nhiều dinh dưỡng. Uống mỗi ngày một cốc sinh tố xoài, bạn sẽ cung cấp cho cơ thể 103 kalo, 75% vitamin C có tác dụng chống ôxy hóa và tăng cường hệ miễn dịch; 24% vitamin A giúp chống oxy hóa và tăng thị lực; 12% vitamin B6 và một số vitamin B khác các tác dụng phòng bệnh não và tim.

Tuy nhiên, món ăn này không hoàn toàn tốt cho sức khoẻ nếu bạn ăn quá nhiều. Bạn không nên ăn quả xoài lúc đói quá và sau bữa ăn no. Bản chất xoài mang tính nóng sánh ngang hành, tỏi, ớt nên cũng không nên ăn nhiều khi có các bệnh về nhiệt như sốt, nóng trong người gây nổi mụn, khó ngủ... Ngoài ra, xoài không thích hợp để ăn khi bụng đói, đau dạ dày. Nếu không, nó có thể dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy và hiện tượng dị ứng khác.

Cóc lắc – Ăn nhiều cẩn thận viêm loét dạ dày

Vitamin C dồi dào trong cóc giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa rất nhiều loại bệnh, giúp da tươi sáng hơn. Tuy nhiên, nếu ăn cóc khi bụng đói, bạn có thể bị táo bón, cồn cào ruột gan do cóc có vị chua và chứa một lượng a-xít rất lớn. Điều này có thể gây nên tình trạng thừa axít trong dạ dày khi ăn quá nhiều, ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa, dẫn tới viêm loét dạ dày, nặng có thể ung thư dạ dày.

Vì thế với những người bị đau dạ dày, tá tràng, viêm loét dạ dày và các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa cần lưu ý khi ăn cóc: Không nên ăn cóc thường xuyên, mỗi lần ăn cũng nên tiết chế không nên ăn quá nhiều cóc một lúc.

Khoai tây, khoai lang lắc - nguy cơ ung thư, tiểu đường

Khoai tây chứa nhiều cacbonhydrat, có thể dẫn đến việc tăng cân nhanh. Ngoài ra, khoai tây còn gây ra sự gia tăng nhanh chóng lượng đường trong máu và đẩy mạnh sản xuất insulin, do đó những người bị bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều khoai tây.

Cách tốt nhất để nấu khoai tây là nướng hoặc luộc, hấp khoai tây để lượng chất dinh dưỡng bị mất đi thấp nhất. Lưu ý phải cắt phần mầm khoai tây khi chúng nảy mầm vì mầm, thân, cành, lá khoai tây đều rất độc do chứa các amin alkaloid độc như arsenic, chaconin và solanin. Khoai lang tuy có nhiều lợi ích dinh dưỡng hơn khoai tây nhưng với cách chế biến món “lắc” sử dụng nhiều dầu mỡ, đường, muối nên cũng sẽ khiến hệ tiêu hoá quá tải khi ăn quá nhiều.

Báng tráng lắc, trộn – nguy hại đến thận, dễ gây ngộ độc

Bánh tráng trộn, bánh tráng lắc là món ăn khoái khẩu của nhiều người, thậm chí có người còn ăn bánh tráng trộn, bánh tráng lắc thay bữa chính với mong muốn giảm cân mà không biết những hiểm hoạ ẩn chứa sau món ăn này.

Tương tự như khoai tây lắc, trong bánh tráng nướng có rất nhiều tinh bột, song lại nghèo chất dinh dưỡng, đi kèm với rất nhiệt bột phô mai kèm gia vị không rõ xuất xứ. Ăn nhiều sẽ dễ gây ra đầy hơi, khó tiêu, thậm chí rối loạn tiêu hóa vì thực phẩm không đủ vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chưa hết, tình trạng bánh tráng ẩm mốc, khô mực, khô bò giả (việc được làm từ sắn còn trộn lẫn các hóa chất khác nên mới tạo được độ dai, màu và mùi vị như mực khô thật) đang trở nên vô cùng báo động bên cạnh bịch bánh tráng giá siêu hấp dẫn chỉ 10,000 đồng. Hàng tấn lô khô mực, khô bò giả được cơ quan chức năng thu giữ và tiêu hủy vừa qua. Ngoài ra, các loại nước sốt, sa tế của các nơi bán bánh tráng trộn được làm theo công thức sau: Ớt xay trộn cùng dầu ăn không rõ nguồn gốc, bỏ trong hũ nhựa tái chế, dùng đến khi nào hết thì lại cho thêm ớt và dầu mới vào ớt xay cũ.

Việc ăn bánh tráng lắc, trộn không đảm bảo nguồn gốc và vệ sinh, quá nhiều muối sẽ khiến gia tăng nguy cơ bị bệnh thận, bị nhiễm giun sán, ảnh hưởng đến thần kinh.

Phương Anh (tổng hợp)

BÀI VIẾT HỮU ÍCH