logo

 

Trong quá trình vận chuyển, bảo quản và chế biến, lượng vitamin bổ dưỡng trong thực phẩm dễ dàng bị chuyển hóa hoặc mất đi. Bạn đã biết bí quyết/ mẹo hay để giúp bảo quản lượng vitamin trong thực phẩm chưa?

1. Bảo quản lượng vitamin trong thực phẩm khô

Nguyên tắc hàng đầu trong bảo quản thực phẩm khô là chọn nơi khô ráo, thoáng mát và tùy từng loại thực phẩm mà cân nhắc có nên bảo quản trong ngăn mát hay ngăn đá của tủ lạnh. Để giữ thực phẩm khô lâu bị ẩm mốc, dù là phơi hay đã sấy, phải để trong tủ lạnh (ngăn mát đựng rau quả), bao ngoài bằng lớp giấy báo hoặc giấy hút ẩm, kế đến là bao ni-lông cột chặt miệng lại. Bằng cách này, sản phẩm vẫn ngon và giữ được mùi vị đặc trưng trong vài tháng. Nếu thực phẩm đã bị nấm, mốc thì nên bỏ, không tiếp tục dùng vì trong thực phẩm mốc có chứa vi nấm có thể gây ung thư gan. Đặc biệt, đối với những thực phẩm hải sản khô, sau khi mua về nên phơi lại 2-3 nắng cho thật khô ráo. Nếu không ăn ngay mà cần bảo quản thì nên để vào lọ thủy tinh có nắp đậy hoặc gói kín bởi 2-3 lớp giấy báo, sau đó quấn bên ngoài một lượt ni-lông để ngăn mùi lan sang các loại thực phẩm khác rồi đặt lên ngăn đá tủ lạnh với nhiệt độ tốt nhất là -18⁰ C.

bảo quản vitamin trong hải sản khô

Việc đặt lên ngăn đá không làm hải sản khô đông cứng, mà trái lại là cách để giữ được độ dẻo ngon của hải sản khô. Không nên đặt dưới ngăn mát, độ bảo quản không được dài và hải sản khô sẽ bị hút mất hơi ấm khiến chứng trở nên cứng, ăn không còn ngon, ngọt. Để trong tủ lạnh độ 3-4 tuần, nên bỏ ra phơi lại để tránh ẩm mốc rồi tiếp tục bảo quản như hướng dẫn trên.

2. Bảo quản thực phẩm tươi, sống

Trước khi cho vào kho lạnh, tủ lạnh để bảo quản, bạn cần: Trái cây: nên cho vào trong túi nylon để tránh mất nước, túi phải đục những lỗ thủng để thoát hơi nước hình thành bên trong túi. Rau xanh: gói trong khăn giấy sau đó cho vào túi nylon để lá không bị héo và tránh mất nước. Tránh sơ chế rau củ (chẻ, cắt, nhặt…) khi chưa nấu ngay vì chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi trong quá trình bảo quản và bị hỏng rất nhanh. Một số loại không cần dự trữ trong tủ lạnh như khoai tây, cà chua, bơ…Khi thấy khoai tây đã mọc mầm nghĩa là trong khoai tây đã chứa 1 lượng lớn độc tố thì không nên ăn. Thịt sống, trứng dập, sữa (đã mở, không đậy kín) là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Vì thế, nếu cứ tùy tiện cho vào tủ lạnh, bạn có thể biến nơi bảo quản thức ăn thành ổ vi khuẩn, gây bệnh. Thực phẩm dù sống hay chín cần được cho vào túi hay hộp kín trước khi để vào tủ lạnh. Đồ sống và chín cần để ở các ngăn riêng biệt, đồ sống trước khi cho vào tủ lạnh cần được rửa sạch, cho vào túi, hộp sạch, kín.

3. Lưu ý khi chế biến

Tái sử dụng nước. Nước được sử dụng trong khi nấu ăn luôn có hương vị và tách một số vitamin ra khỏi thực phẩm. Tái sử dụng nước này để nấu súp hoặc luộc thịt cho phép bạn vẫn hấp thụ các chất vitamin mà không lãng phí nó. Nên chọn cách ăn sống, hấp thay vì luộc để hạn chế vitamin bị mất đi.Nếu luộc, nên cho ít nước và để giữ được vitamin C trong rau củ. Giữ nắp kín. Bằng cách giữ nắp nồi trong khi nấu rau, hơi nước được tạo ra giúp nấu rau nhanh hơn và giữ bất kỳ loại vitamin có trong thực phẩm ở trong nồi. Không nên nấu hay xào quá lâu, khi xào nên xắt rau củ thật nhỏ và xào thật nhanh với một chút dầu ăn nóng (trên lửa lớn và không quá 5 phút). Trữ đồ ăn thừa trong vật chứa sạch, có nắp đậy kín hoặc bọc kín bằng màng nilong.

Quỳnh Mai

BÀI VIẾT HỮU ÍCH