logo

 

Cho dù hầu hết các cửa hàng chuyên bán giày thể thao đều có nhân viên hướng dẫn nhưng bạn vẫn nên hiểu đôi chân của mình và tự trang bị một số kiến thức cơ bản để mua được đôi giày tập luyện thích hợp.

1. Đừng sử dụng một đôi giày cho nhiều mục đích.

Giày đi bộ thường khá cứng; trong khi giày chạy linh hoạt hơn, có thêm đệm để xử lý các tác động mạnh hơn. Đặc biệt khi tập luyện trong phòng gym với các hình thức đa dạng như cử tạ, chạy bộ với máy, căng cơ….yêu cầu về một đôi giày phù hợp càng cao. Vì thế, hãy xác định mục đích tập luyện của bạn trước khi mua giày.

2. Hiểu rõ chân của bạn.

Biết rõ bàn chân là chìa khóa để lựa chọn đôi giày phù hợp. Hầu hết các thương hiệu lớn hiện nay đều cung cấp giày thể thao với kích cỡ và hình dáng đa dạng, phù hợp với nhiều loại bàn chân khác nhau. Trước hết, hãy đặt chân lên một tờ giấy, dùng bút đen vẽ đường mép quanh đôi bàn chân. Sau đó dùng thước đo chiều dài từ đầu ngón chân dài nhất cho đến gót chân sau, đo chiều rộng từ ngón chân út sang ngón chân cái để tìm ra kích cỡ giày thích hợp.

3. Đo chân thường xuyên

“Thật sai lầm khi tin rằng kích thước chân không thay đổi ở người lớn,” Steven Raiken - giám đốc của dịch vụ chăm sóc chân và mắt cá chân tại Viện Rothman - Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia cho biết. "Nó thay đổi khi chúng ta già đi, do đó, chân của bạn nên được đo hai lần một năm. Size cũng khác nhau giữa các nhãn hiệu, nên chọn mua đôi giày vừa chân sau khi thử chứ không phải mua theo kích thước giày bạn hthường mang.”

4. Mua sắm vào cuối ngày

Khi đó chân sẽ to lên sau một ngày chuyển động; chân cũng nở rộng khi chạy hoặc đi bộ, vì vậy phải thử giày khi chân đang ở kích thước lớn nhất khi ấy bạn mới mua được đôi giày tập đúng chuẩn.

5. Mang vớ “của riêng bạn”

Chọn kích cỡ vớ thật vừa vặn, bởi vì đây là lớp hỗ trợ quan trọng giúp bạn cảm thấy thoải mái khi chuyển động trên đôi giày thể thao. Khi tập luyện trong phòng gym, hãy chọn loại vớ không quá dày và làm bằng chất liệu thấm hút tốt. Do phòng gym không có sự tác động từ môi trường như nắng hay gió giúp hong khô nên chúng ta cần một đôi vớ có thể hút mồ hôi nhanh.

6. Thử giày tại chỗ

Đừng ngại hỏi nhân viên bán hàng cho bạn thử giày tại chỗ. Hãy mang giày và chạy hoặc đi bộ nhanh một vòng để chắc rằng chúng không làm bạn đau chân. Chỉ đi thử vài bước không giúp bạn nhận ra độ an toàn của một đôi giày tập luyện.

7. Sử dụng quy tắc ngón tay cái.

Ngón chân cái của bạn và mũi giày nên cách nhau một khoảng bằng ngón tay cái. Điều này giúp mũi chân không đau khi di chuyển. Trái lại, gót chân phải phù hợp tương đối chặt chẽ; không nên trượt ra khi tập luyện, sẽ dễ bị chấn thương cổ chân.

8. Hiểu rõ mục đích sử dụng.

Một số mẫu giày phù hợp với không gian rộng lớn hơn là trong phòng gym, mỗi loại giày đều có các tính năng đặc biệt nhất định, phục vụ cho những mục đích rõ ràng. Chẳng hạn giày dành để chạy bộ cả bên ngoài lẫn trong phòng gym thường có lớp đệm ôm khít chân, có lớp chống sốc bảo vệ chân khi di chuyển nhanh. Trong khi giày tập các môn nhẹ nhàng khác như cử tạ, tập với bóng hay đi bộ lại tương đối nhẹ nhàng, có lớp đệm cung cấp lực kéo nhẹ.

9. Đừng trả nhiều hơn hoặc ít hơn.

Giày thể thao chất lượng khá đắt tiền - và thường chúng xứng đáng với cái giá đó. Đừng tiếc tiền cho sự an toàn của đôi chân bạn. Chọn một đôi giày phù hợp và chấp nhận cái giá của nó, đôi giày dành cho bạn đắt hay rẻ không quan trọng bằng việc nó thực sự khiến bạn thoải mái và an toàn khi tập luyện.

10. Biết khi nào cần thay giày.

Trung bình một đôi giày thể thao nên được thay thế sau khoảng 350-400 dặm sử dụng (500 – 700 km), theo Clifford Jeng - bác sĩ phẫu thuật bàn chân và mắt cá chân tại Trung tâm y tế Mercy ở Baltimore. Tốt hơn hết, hãy luôn chú ý đến đôi giày của bạn. Nếu đế giày bị mòn hoặc cảm thấy không thoải mái khi di chuyển hoặc các hỗ trợ đã không còn tác dụng (lớp đệm không còn êm ái, phần mũi chân bị đau…), đó là lúc nên mua một đôi giày mới.

Oanh Phan

BÀI VIẾT HỮU ÍCH